Xây dựng và quản trị doanh nghiệp CNTT 2023

Thật may mắn cho tôi khi được các anh chị cộng đồng CIO Việt Nam mời tham gia hội thảo chia sẻ cách thức quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao thế hệ một doanh nghiệp CNTT.
Đây là một cơ hội tốt cho những ai muốn trở thành lãnh đạo hiệu quả để từ đó có thể tự xây dựng, vận hành, và chuyển giao doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp CNTT). Đâu đó còn rất nhiều câu hỏi của những người tham gia cần người nhiều kinh nghiệm như anh Quang chia sẻ về quản trị doanh nghiệp, nhưng thời gian của sự kiện khá hạn hẹp.
Đâu đó còn có những anh chị không có dịp tham dự sự kiện và cũng đang muốn học hỏi cách thức xây dựng và vận hành quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp, cách xây dựng đội ngũ để chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ để doanh nghiệp được trường tồn.
Trong bối cảnh thị trường Viêt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng thì đây là vấn đề khá thách thức cho doanh nghiệp, người quản trị doanh nghiệp.
Xin chia sẻ thêm góc nhìn của bản thân về buổi chia sẻ và cách quản trị doanh nghiệp:

– Chọn làm những thứ mà mình có thể làm tốt nhất:
Vâng, cái gì dễ thì ai cũng có thể làm và khi đã có nhiều người làm thì cũng rơi vào cảnh cung nhiều hơn cầu và rất khó để khẳn định thương hiệu. Vậy thì tại sao không chọn những thứ mà chưa ai làm hoặc mình có thể làm tốt hơn những doanh nghiệp đã làm? Bênh cạnh đó thì trường đang ngày một phân rã thành những thì trường ngách.
Làm sao sản phẩm, dịch vụ chiến lược của doanh nghiệp có thể dẫn đầu một ngách? Đó là những câu hỏi đầy thách thức với bất kỳ lãnh đạo nào cần phải trả lời. Hãy làm những thứ mình làm tốt nhất với tính khác biệt cao và có thể tạo ra nhiều giá trị nhất!
– Đi nhanh hay đi xa:
Đã nhiều lần nghe về câu nói này của Warren Buffett:
“Nếu muốn đi thật nhanh thì hãy đi một mình.
Nếu muốn đi thật xa thì hãy đi cùng nhau”
Nhưng để hiểu rõ ý nghĩa trong bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp ở giai đoạn khởi nghiệp và vận hành. Việc chọn được những người bạn đồng hành tốt (có tương đồng về lẽ sống thì thật là tuyệt) và cùng nhau chia sẻ khó khăn, giá trị tư duy, giá trị vật chất, và cùng nhìn về một hướng thì thật đáng quý.
Nếu có được những người bạn đồng hành có những thế mạnh khác nhau và bổ trợ được nhau thì càng đáng quý hơn, mọi người có thể gánh vác những công việc khác nhau và khai thác thế mạnh từ mỗi thành viên. Vậy để doanh nghiệp đi xa thì rất cần có những người bạn đồng hành tốt.
– Xác lập sứ mệnh và tầm nhìn là điều cần thiết: Để lôi kéo được một con người có năng lực về với doanh nghiệp thì cần nói cho ứng viên biết sứ mệnh của doanh nghiệp là gì? Để thuyết phục được một khách hàng tiềm năng mua sản phẩm, dịch vụ thì cũng phải nói cho khách hàng biết sứ mệnh của nhà cung cấp là gì? Để cả đội ngũ công ty gắn bó và sống chết với doanh nghiệp thì họ cần hiểu rõ sứ mệnh của doanh nghiệp là gì?…
Tất cả khách hàng, nhân viên, ứng viên tiềm năng cần biết rõ sứ mệnh của doanh nghiệp để họ xem có phù hợp với sứ mệnh, lẽ sống của bản thân, doanh nghiệp của họ không? Đó là điều kiện cần trước khi quyết định se duyên cùng doanh nghiệp.
Ở một số thời điểm cụ thể đội ngũ điều hành cần đưa ra quyết định mà không cần sự can thiệp của lãnh đạo thì sứ mệnh là thứ dùng để xem quyết định sắp đưa ra có phù hợp với lẽ sống của doanh nghiệp không? Có thể xem sứ mệnh chính là “hiến pháp” của doanh nghiệp. Nhưng khi sứ mệnh không gắn liền yếu tố xã hội, không thực tiễn thì đó có thể là một tuyên bố sáo rỗng cứ mãi treo lơ lững trên tường của doanh nghiệp.
Có những đích đến của doanh nghiệp rất xa vời với thực tế hiện tại nhưng có thể đó là niềm tin có thể đạt được ở trong tương lai xa, nó cần thiết lập ở một tầm nhìn của những người lãnh đạo doanh nghiệp.
– Cần có những chiến lược rõ ràng ở mỗi giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp: Nếu ví doanh nghiệp như một con người có nhiều giai đoạn sống khác nhau như: giai đoạn bò (khởi nghiệp), rồi đi (mở rộng), rồi chạy (tăng trưởng), rồi trưởng thành (trở thành công ty đại chúng),…
rồi trở về với cát bụi (phá sản hoặc bán đi). Với mỗi giai đoạn thì đội ngũ vận hành cần xây dựng chiến lược khác nhau dưới sự dẫn dắt của chủ doanh nghiệp để từng bước đạt được tầm nhìn và hoàn thành sứ mệnh. Nhưng để có kết quả tốt đẹp ấy thì cần có chiến lược phù hợp với từng thời điểm của bối cảnh thị trường và lãnh đạo đừng quên truyền tải thông điệp ấy đến tất cả đội ngũ.
Chỉ khi đội ngũ thấu hiểu chiến lược ấy thì sẽ kích thích đội ngũ sống chết mà chèo con thuyền với doanh nghiệp về đích để đạt được tầm nhìn và chiến lược (chính bản thân đội ngũ cũng là người chiến thắng ở góc độ cá nhân), còn lãnh đạo thì đứng trên nóc thuyền hô hào cổ động và xác định hướng đi đúng hay sai.
– Đội ngũ, bánh đà và cái vòng luẩn quẩn: Nếu ví mỗi doanh nghiệp như một cổ máy của chiếc đầu kéo với hàng trăm thiết bị gắn kết liên hoàn với nhau. Liệu các thiết bị, bộ phận có đang hoạt động tốt? Liệu các bộ phận có đủ năng lực phối hợp nhịp nhàng để đạt hết công suất ở thời điểm xe lên/xuống dốc cao? Liệu bánh đà có quay một hướng ổn định để đạt gia tốc cực đại khi cần?
Đó là bận tâm của ông chủ chiếc đầu máy, luôn chủ động tìm điểm yếu của các thiết bị trong máy và thay thế kịp thời, để duy trì khả năng ở mọi bối cảnh và dòng tiền sẽ được kiểm soát….để tránh cái vòng luẩn quẩn khi cần đạt công suất tối đa thì bánh đà lúc quay ngược, lúc quay xuôi.
– Có đội ngũ tốt thôi thì chưa đủ: Ở vai trò chủ doanh nghiệp cần xây dựng cho doanh nghiệp của mình cơ chế vận hành tốt, các quy trình nghiệp vụ phù hợp với đội ngũ đang có để họ có thể phối hợp với nhau. Cần nhớ là bản thân lãnh đạo không phải là người xây dựng quy trình, không phải là người vận hành quy trình, tất cả quyết định bởi đội ngũ.
Nhưng sự phối hợp ấy chỉ đạt được sự nhịp nhàng khi quy trình nghiệp vụ ấy nằm trong nếp nghĩ của toàn bộ đội ngũ liên quan. Khi hệ thống quản lý, quy trình (điều kiện cần) đã được chuẩn hoá thì công cụ, công nghệ (điều kiện đủ) cần trang bị để khai thác năng lực của đội ngũ.
Muốn khai thác triệt để hai điều kiện cần-đủ trên thì chính sách đào tạo là điều kiện tuyên quyết để giúp đội ngũ thay đổi tư duy, cách nhìn, kỹ năng, năng lực và trưởng thành theo thời gian. Có vậy gia tốc của bánh đà trong cổ máy mới hoạt động hết công suất.
– Thách thức và chiến thuật dẫn dắt sự thay đổi: Việc thay đổi hành vi, thói quen của đội ngũ khi đưa một quy trình, nghiệp vụ mới, công cụ, công nghệ mới vào tổ chức không hề dễ. Vì bản chất con người luôn không thích thay đổi hành vi, thói quen của mình, bên cạnh đó việc thay đổi luôn tìm ẩn nguy cơ mất an toàn và đội ngũ luôn có tư thế phòng thủ.
Đôi khi chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp muốn nâng cao tính hiệu quả của doanh nghiệp nhưng bản thân không muốn thay đổi có thể lo sợ rủi ro, mất kiểm soát,…Đây chính là rào cản lớn nhất cho bất kỳ cuộc thay đổi nào. Dẫn dắt thay đổi luôn là một thách thức lớn với bất kỳ lãnh đạo nào.
Để phá tan sự đông cứng ấy của đội ngũ thì lãnh đạo cần có chiến thuật dẫn dắt sự thay đổi phù hợp, cần nâng cao tính cấp bách cho việc thay đổi và một đội tinh nhuệ được dẫn dắt bởi các lãnh đạo. Ngọn lửa thay đổi chỉ bùng cháy khi chính lãnh đạo là người truyền lửa cho đội ngũ.
– Xây dựng văn hoá từ những hành động nhỏ nhặt: Một vài câu hỏi mà phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải trả lời “Tại sao đội ngũ gắn bó với doanh nghiệp?”; “Làm sao có thể tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, có sự tín nhiệm cao?”; “Làm sao đội ngũ cho ra nhiều sáng tạo có tính khác biệt cao?”;…
Chìa khoá nằm trong việc xây dựng văn hoá theo lẽ sống, triết lý sống của lãnh đạo. Có thể nó đến từ những hành động rất nhỏ nhặt nhưng tôn vinh được sự chia sẻ, thấu hiểu như: một bữa tiệc sinh nhật nhỏ cho nhân viên, cùng ăn cơm cùng nhân viên,…
hoặc tôn vinh sự đóng góp của nhân viên trước mặt gia đình, bạn bè của nhân viên ở ngày tất niên cuối năm! Khi đội ngũ có cảm giác “công ty như là ngôi nhà thứ hai của họ” thì ở nơi đó sẽ có nhiều sáng tạo khác biệt!
– Đưa ra quyết định rắn với điểm cổ chai nhân lực: Việc hình thành và phát triển trong quản trị doanh nghiệp thì không thể tránh khỏi các cổ chai nhân lực hình thành theo thời gian. Chính bản thân em cũng đã từng nắm một cổ chai của doanh nghiệp.
Ở những ngày làm việc bình thường thì mọi thứ vẫn chạy tốt nhưng đến một ngày người nắm cái cổ chai ngã bệnh thì mọi việc bắt đầu trì trệ và vấn đề nghiêm trọng phát sinh. Người nắm cổ chai vừa dưỡng bệnh vừa online skype để phân chia công việc và giải quyết sự cố ở phía khách hàng và nội bộ.
Lãnh đạo cần luôn phải để ý các cổ chai này và có biện pháp dự phòng tình huống xấu. Nếu cổ chai được hình thành có tính chủ động của đội ngũ thì đôi khi cần đưa ra một quyết định rắn tìm người thay thế tức thì!

– Luôn làm mới mình để phá tan thách thức về nhân lực: Một doanh nghiệp khi có thời gian phát triển dài thì nhân lực của đội ngũ có rất nhiều thế hệ tuổi tác, có nhiều tư duy khác nhau,… cũng giống như một gia đình có ba hoặc bốn thế hệ chung sống. Để các thế hệ trong gia đình giao tiếp, hiểu nhau và san sẻ công việc, giá trị cho nhau là không hề đơn giản.
Người lớn tuổi thì có xu hướng nghiêm khắc, thận trọng,… và không thích nhiều tiếng ồn. Trong khi những đứa trẻ dưới 10 tuổi thì hoạt náo và vui đùa. Để dung hoà được hai thế hệ này thôi đã là một việc khó, chưa nói là dung hoà với các thế hệ còn lại trong gia đình.
Doanh nghiệp là một gia đình lớn có nhiều phức tạp hơn và thách thức hơn trong việc dung hoà về tư duy và hành vi của nhân lực. Hãy tập trung kiểm soát tư duy của đội ngũ, kết quả công việc với lẽ sống rỏ ràng của doanh nghiệp để đội ngũ được tụ do sáng tạo trong khuôn khổ,… thay vì kiểm soát quá trình hay công việc cụ thể!
– Quản trị hay điều hành: Việc phân biệt rạch ròi vai trò và nhiệm vụ của người làm quản trị doanh nghiệp và điều hành cũng đã khó khăn. Và việc người làm quản trị doanh nghiệp có xu hướng chiếm quyền điều hành hoặc tạo khó khăn cho người làm công tác điều hành là chuyện khó tránh khỏi.
Vì vậy cần có những điều lệ, quy ước rõ ràng tới mức có thể. Thay vào đó người làm công tác điều hành tạo ra nhiều không gian để người làm công tác điều hành đưa ra quyết định dựa trên giá trị cốt lõi và sứ mệnh của doanh nghiệp (hiến pháp của doanh nghiệp).
Ở một doanh nghiệp có quá nhiều biến động trong công tác điều hành thì luôn có nguy cơ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của bánh đà “lúc quay ngược, lúc quay xuôi”.
Đây là buổi chia sẻ thú vị về xây dựng và quản trị doanh nghiệp mà CIO đã tổ chức thành công về xây dựng và quản trị doanh nghiệp công nghệ thông tin. Bản thân tôi được học thêm rất nhiều kiến thức từ những chia sẻ kinh nghiệm thực tế về quản trị doanh nghiệp, những phút trải lòng của một vị chủ tịch của một công ty công nghệ hoạt động hơn hai mươi năm ở trị trường Việt Nam.

Âu đó chỉ là những mảnh ghép dở của một bức tranh quản trị doanh nghiệp không có hình mẫu của bản thân. Rất mong anh chị em trong cộng đông có thể chỉ cho tôi những mãnh ghép bị lỗi hoặc chỉ cho tôi các mãnh ghép khác để chúng ta có thể hoàn thành một bức tranh quản trị doanh nghiệp có ý nghĩa!
P/s: Khi đàn cá nhỏ quay đầu thì sức mạnh của đàn cá có thể ngoài sức tưởng tượng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị doanh nghiệp